Nguyên tắc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, xử phạt về thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế

13/11/2018

Tại công văn số 174/TCT-CS ngày 14/1/2009 của Tổng cục thuế Trả lời công văn số 14293/CT-PC ngày 18/11/2008 của Cục thuế TP Hồ Chí Minh về xác định hành vi vi phạm thủ tục về thuế, Tổng cục thuế có ý kiến như sau:

1. Về nguyên tắc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.

Căn cứ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế: Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý vi phạm khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được quy định tại các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật về thuế; vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định này. Một hành vi vi phạm pháp luật về thuế bị xử phạt một lần được hiểu như sau: một hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã được người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần hai đối với hành vi đó.

2. Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế:

Căn cứ theo Điều 31 Luật Quản lý thuế quy định hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng, năm...Tại điểm 1.3 Mục I Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế quy định: "Đối với loại thuế khai theo tháng, quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế. "

Tại điểm 3.1 Mục I Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 hướng dẫn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng: "Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế."

Tại điểm 3.2 Mục I Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 hướng dẫn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính theo quý: "Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế."

Tại điểm 1.2 Mục III Phần A Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế quy định: "Vi phạm nhiều lần trong lĩnh vực thuế là trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế thuộc loại hành vi nêu tại điểm 3, Mục I Phần A Thông tư này mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị xử phạt và chưa hết thời hiệu xử phạt."

Căn cứ theo các quy định nêu trên và theo từng loại thuế, các hồ sơ khai thuế đã được thống nhất quy định tại Luật Quản lý thuế, mỗi loại hồ sơ khai thuế có quy định thời hạn cụ thể mà Người nộp thuế phải kê khai và nộp hồ sơ khai thuế. Nếu sau thời điểm đó, người nộp thuế không thực hiện thì bị xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế "chậm nộp hồ sơ khai thuế". Trường hợp người nộp thuế đã vi phạm nhiều lần, đối với mỗi hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định, người nộp thuế bị xử phạt riêng theo từng hồ sơ khai thuế nộp chậm và xử phạt theo tình tiết tăng nặng.

Trường hợp doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế tiến hành ấn định số thuế phải nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và xử phạt về hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp, sau khi có kết luận thanh tra thì cơ quan thuế ra quyết định xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra. Trường hợp sau khi ấn định, doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì tiến hành các biện pháp cưỡng chế (nếu đủ điều kiện sau 90 ngày) hoặc chuyển cơ quan điều tra nếu đủ dấu hiệu hình sự tránh trường hợp doanh nghiệp kinh doanh gần 1 năm không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo ví dụ của Cục thuế TP Hồ Chí Minh: tại thời điểm ngày 25/8/2008, Doanh nghiệp A cùng lúc nộp nhiều hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định, gồm:

- Hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính cho quý I/2008 và quý II/2008 (trong đó Quý I không phát sinh số thuế phải nộp); và

- Hồ sơ khai thuế GTGT theo các kỳ tính thuế tháng 2/2008, tháng 3/2008, tháng 4/2008, tháng 5/2008, tháng 6/2008 và tháng 7/2008, trong đó các hồ sơ khai thuế tháng 2/2008 và tháng 3/2008 không phát sinh số thuế phải nộp.

Việc xác định số tình tiết tăng nặng để phạt tiền căn cứ theo hướng dẫn tại điểm 1.1.b, Mục V Phần A Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 quy định: “Phạt theo số tiền tuyệt đối đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, mức phạt tối đa không quá 100 triệu đồng. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu cộng với mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

... Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được  tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt."

Như vậy, Doanh nghiệp A cùng lúc nộp nhiều hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trước thời điểm cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, chưa đến mức độ trốn thuế và phù hợp với kết quả sản xuất kinh doanh thì xác định là hành vi vi phạm "chậm nộp hồ sơ khai thuế" bị xử phạt theo Điều 9 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007. Đối với mỗi hồ sơ khai thuế (hồ sơ khai thuế TNDN tạm tính và hồ sơ khai thuế GTGT) quá thời hạn quy định, Doanh nghiệp bị xử phạt riêng theo từng hồ sơ khai thuế nộp chậm và xử phạt theo tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần". Mức xử phạt xác định như sau:

- Thuế TNDN: Cục thuế xác định một hành vi vi phạm sau cùng xử phạt tương ứng theo Điều 9 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP và đảm bảo nguyên tắc mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt. Xác định số tiền phạt theo đúng nguyên tắc xử phạt không cao quá mức quy định của khung, đồng thời theo dõi số tiền phạt nộp chậm và thực hiện thông báo theo quy định của Luật Quản lý thuế.

- Thuế GTGT: Cục thuế xác định một hành vi vi phạm sau cùng để xử lý việc nộp chậm hồ sơ khai thuế GTGT tương tự như cách xử lý việc nộp chậm hồ sơ khai thuế TNDN nêu trên.

- Trường hợp khi nhận hồ sơ khai thuế nếu kiểm tra xác định có hành vi vi phạm khác ngoài hành vi "chậm nộp hồ sơ khai thuế" như hành vi khai sai; khai không đầy đủ; hành vi trốn thuế do không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp sau 90 ngày theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP (không xử trốn thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý...) thì tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.

Đề nghị Cục thuế kiểm tra, rà soát trong thời gian trước (1 năm) nếu Doanh nghiệp  đã vi phạm và đã bị xử lý thì tính thêm tình tiết tăng nặng "tái phạm". Đồng thời yêu cầu Cục thuế kiểm điểm rút kinh nghiệm về quản lý thuế theo đúng quy trình, hàng tháng đôn đốc qua thông báo, nếu người nộp thuế không nộp hồ sơ khai thuế thì xử phạt theo từng kỳ khai thuế, không để tình trạng nhiều tháng nộp dồn 1 loạt Tờ khai và xử phạt cùng một lúc như hiện tại.

Cùng danh mục

Đề xuất hỗ trợ hưởng thuế suất 10% trong 15 năm đối với ngành công nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Đề xuất xóa bỏ tiền phạt chậm nộp thuế

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.