Các hình thức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam

08/03/2019

Câu hỏi: Xin luật sư tư vấn về các hình thức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam?

Trả lời: Về vấn đề bạn quan tâm tôi có một số trao đổi như sau:

Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo hình thức đầu tư sau:

1. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài:

Nhà đầu tư được đầu tư để thành lập các tổ chức kinh tế sau đây:

- Doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

- Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật;

- Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi;

- Các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

- Ngoài các tổ chức kinh tế trên nhà đầu tư trong nước được đầu tư để thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo Luật hợp tác xã; hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2009  .

Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam:

Trường hợp có dự án đầu tư mới mà không thành lập tổ chức kinh tế mới thì thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo  quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;

Trường hợp có dự án đầu tư mới gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế mới thì thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định như trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam.

2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này được liên doanh với nhà đầu tư trong nước và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo hình thức liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT.

Nhà đầu tư được ký kết hợp đồng BCC để hợp tác sản xuất phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác.

Đối tượng, nội dung hợp tác, thời hạn kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, quan hệ hợp tác giữa các bên và tổ chức quản lý do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.

Hợp đồng BCC trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và một số tài nguyên khác dưới hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các dự án xây dựng mới, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, sản xuất và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Chính phủ quy định lĩnh vực đầu tư, điều kiện, trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện dự án đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT.

Trường hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài với một hoặc nhiều nhà đầu tư trong nước (sau đây gọi tắt là các bên hợp doanh) thì nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có quy định về quyền lợi, trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên hợp doanh.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí và một số tài nguyên khác theo hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Luật Đầu tư.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau để tiến hành đầu tư, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và pháp luật có liên quan.

Trong quá trình đầu tư, kinh doanh, các bên hợp doanh có quyền   thoả thuận thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên hợp doanh thỏa thuận. Ban điều phối không phải là cơ quan lãnh đạo của các bên hợp doanh.

Bên hợp doanh nước ngoài được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để làm đại diện cho mình trong việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Văn phòng điều hành của bên hợp doanh nước ngoài có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi các quyền và nghĩa vụ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4. Đầu tư phát triển kinh doanh.

Nhà đầu tư được đầu tư phát triển kinh doanh thông qua các hình thức sau đây:

- Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh;

- Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

5. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư được góp vốn, mua cổ phần của các công ty, chi nhánh tại Việt Nam.

Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành, nghề do Chính phủ quy định.

Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp để tham gia quản lý hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp nhận sáp nhập, mua lại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Nhà đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam phải: thực hiện các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư và lộ trình mở cửa thị trường; tuân thủ các quy định về điều kiện tập trung kinh tế của pháp luật về cạnh tranh và pháp luật về doanh nghiệp; đáp ứng điều kiện đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

6. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Điều kiện sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh theo quy định của Luật đầu tư, pháp luật về cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.

 

Ls Nguyễn Minh Tiến www.lienvietluat.com www.asimic.com

.........................................................................................................................................................................

Chuyên mục Tư vấn Luật được sự Công tác tư vấn của Asimic.

Những ý kiến pháp lý của đưa ra chỉ giải đáp cho câu hỏi cụ thể nêu trên. Luật sư của Asimic đã hết sức cố gắng mang đến cho người sử dụng những thông tin cập nhật và có tính thực tiễn. Tuy nhiên, những thông tin cũng như các văn bản luật tham chiếu có thể có những thay đổi vào thời điểm người sử dụng có được những ý kiến này. Hơn nữa, trên thực tế có nhiều văn bản giải thích luật pháp khác nhau, nên để có thể vận dụng luật pháp vào những vấn đề cụ thể, người sử dụng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý của mình hoặc các luật sư của Asimic để được tư vấn cụ thể hơn. Bản quyền Ý kiến pháp lý nêu trên thuộc về công ty tư vấn Asimic, trừ những nội dung trích nguyên văn quy định của pháp luật. Mọi hành vi tái sử dụng Ý kiến pháp lý này mang mục đích thương mại phải được sự đồng ý của Asimic.

Để liên hệ với Luật sư của Asimic

Hãy liên hệ tại địa chỉ www.lienvietluat.com www.asimic.com

Cùng danh mục

Thành lập công ty 100 vốn nước ngoài, thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức 100% vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật doanh nghiệp. Theo Nghị định 108, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án và thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư..

Chính sách về đầu tư của Việt Nam

Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.