Hỏi - đáp về thuế Thu nhập cá nhân (Phần 3)

24/06/2022

Câu 24: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước được xác định như thế nào ?

Điều 21 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN quy định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước được xác định như sau:

1. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước được xác định bằng giá cho thuê lại trừ (-) giá thuê và các chi phí liên quan.

2. Giá cho thuê lại được xác định căn cứ vào giá thực tế ghi trên hợp đồng.

Trường hợp đơn giá cho thuê lại trên hợp đồng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê lại thì giá cho thuê lại được xác định căn cứ theo bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

3. Giá thuê được xác định căn cứ vào hợp đồng thuê.

4. Chi phí liên quan là các khoản chi thực tế phát sinh và có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm:

a) Các loại phí, lệ phí theo quy định liên quan đến quyền thuê đất, thuê mặt nước;

b) Các chi phí cải tạo đất, mặt nước;

c) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến cho thuê lại.

Câu 25: Do không có tiền chữa bệnh, tôi đã phải chuyển nhượng nhà đất duy nhất của mình để lấy tiền đóng viện phí. Tôi xin hỏi, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp của tôi có phải chịu thuế TNCN khi chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất ở không? Pháp luật quy định những trường hợp nào được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN, thì thu nhập được miễn thuế từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam và cá nhân chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tại thời điểm chuyển nhượng, cá nhân chỉ có quyền sở hữu, quyền sử dụng một nhà ở hoặc một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó);

b)Thời gian cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày;

c) Nhà ở, quyền sử dụng đất ở được chuyển nhượng toàn bộ;

Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng  nhà ở, đất ở. Cá nhân có nhà ở, đất ở chuyển nhượng có trách nhiệm kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện kê khai sai thì không được miễn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với quy định trên, nếu là nhà ở, đất ở duy nhất mà ông/bà có mà nay ông/bà chuyển nhượng toàn bộ thì ông/bà được miễn thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản đối với nhà đất này.

Ngoài ra, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 65 cũng quy định hai trường hợp được miễn thuế TNCN khi chuyển nhượng bất động sản là:

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau.

2. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Câu 26: Đề nghị cho biết thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được pháp luật quy định như thế nào ?

Điều 22 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN quy định thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản như sau:

1. Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập tính thuế.

2. Trường hợp người nộp thuế không xác định hoặc không có hồ sơ để xác định được giá vốn và các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.

Câu 27: Tôi may mắn thưởng 100 triệu đồng khi mua hàng tại siêu thị điện máy? Xin hỏi, tôi có phải nộp thuế TNCN từ khoản tiền trúng thưởng này không ?

Ông/bà phải nộp thuế TNCN từ khoản tiền trúng thưởng theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế TNCN từ trúng thưởng, bao gồm:

- Trúng thưởng xổ số;

- Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;

- Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;

- Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

Câu 28: Xin hỏi thu nhập tính thuế từ trúng thưởng và thời điểm xác định thu nhập tính thuế được xác định như thế nào ?

Thu nhập tính thuế từ trúng thưởng và thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ trúng thưởng được quy định tại Điều 15 của Luật Thuế TNCN, như sau:

1. Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

Như vậy, những giải thưởng có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống thì người nhận thưởng không phải đóng thuế TNCN.

Câu 29: Ông H may mắn trúng giải đặc biệt của Công ty xổ số, giá trị giải thưởng là 150 triệu đồng. Ông muốn biết, theo quy định của pháp luật thì ông phải đóng bao nhiêu tiền thuế TNCN từ tiền trúng vé số này?

Khoản 2 Điều 23 của Luật Thuế TNCN quy định thuế suất từ trúng thưởng là 10%.

Điều 26 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định tổ chức trả thưởng có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN của người trúng thưởng trước khi trả thưởng cho cá nhân trúng thưởng. Trường hợp tổ chức trả thưởng trò chơi điện tử có thưởng, casino không xác định được thu nhập chịu thuế của cá nhân trúng thưởng để khấu trừ thuế thì thực hiện nộp thuế thay cho người trúng thưởng theo mức ấn định trên tổng số tiền trả lại cho cá nhân.

Như vậy khoản tiền thuế TNCN mà ông H phải đóng là 15 triệu đồng. Công ty xổ số sẽ khấu trừ luôn khoản tiền này để nộp cho cơ quan thuế và ông H được lĩnh về là 150 triệu đồng – 15 triệu đồng = 135 triệu đồng.

Câu 30: Ông A ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền tác phẩm với nhà xuất bản X, đồng thời ông A ký hợp đồng với công ty H để nhượng quyền sản suất tôn tại tỉnh B. Hỏi trong trường hợp này, việc xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế từ bản quyền, nhượng quyền thương mại của ông A được quy định như thế nào?

Điều 16 và Điều 17 của Luật Thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế từ bản quyền và nhượng quyền thương mại như sau:

- Về thu nhập chịu thuế từ bản quyền bao gồm: Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Thu nhập từ chuyển giao công nghệ là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo từng hợp đồng. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ bản quyền là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

- Về thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại: Thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

Trường hợp của ông A, nếu giá trị mỗi lần chuyển nhượng không quá 10 triệu đồng thì ông không phải nộp thuế TNCN, nếu vượt trên 10 triệu đồng thì phải nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng.

Câu 31: Tôi được thừa kế từ bà ngoại một sổ tiết kiệm 200 triệu đồng, cũng trong thời gian này tôi được một người họ hàng tặng một chiếc ô tô trị giá khoảng 400 triệu đồng. Xin hỏi, tôi có phải đóng thuế TNCN từ việc nhận thừa kế và quà tặng này không?

Khoản 9, Khoản 10 Điều 3 Luật Thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP đều quy định thu nhập chịu thuế TNCN từ nhận thừa kế, nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Đồng thời, Điều 18 của Luật Thuế TNCN quy định thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.

Căn cứ vào những quy định nêu trên, thì tài sản thừa kế mà ông/bà nhận được từ bà ngoại là sổ tiết kiệm 200 triệu đồng không thuộc trường hợp phải đóng thuế TNCN. Còn đối với chiếc ô tô là tài sản thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nên khi nhận quà tặng này, ông/bà phải đóng thuế TNCN.

Câu 32: Vậy, xin hỏi tôi phải đóng bao nhiêu tiền thuế TNCN khi nhận chiếc ô tô được tặng cho này?

Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế TNCN quy định thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ nhận thừa kế, nhận quà tặng là 10%.

Do đó, nếu chiếc ô tô mà ông/bà nhận quà tặng từ người bác ruột có giá trị là 400 triệu đồng thì ông/bà phải nộp thuế TNCN là 40 triệu đồng.

Câu 33: Đề nghị cho biết thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng được pháp luật quy định như thế nào ?

Điều 23 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN quy định thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng như sau:

1. Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng, bao gồm: Bất động sản, tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, kể cả chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh vượt trên 10 triệu đồng mà người nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.

2. Việc xác định thu nhập tính thuế đối với các loại tài sản nhận thừa kế, quà tặng phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường tại thời điểm phát sinh thu nhập, trong đó:

a) Đối với chứng khoán là tài sản nhận thừa kế, nhận quà tặng:

- Thu nhập tính thuế được xác định căn cứ theo giá tham chiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán tại ngày nhận thừa kế, nhận quà tặng hoặc ngày gần nhất trước đó;

- Đối với chứng khoán chưa được giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán, thu nhập tính thuế được xác định căn cứ vào giá trị ghi trên sổ sách kế toán của công ty có chứng khoán tại ngày nhận thừa kế, nhận quà tặng hoặc ngày gần nhất trước đó;

b) Đối với phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: Căn cứ vào trị giá phần vốn ghi trên sổ sách của tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh tại thời điểm nhận thừa kế, nhận quà tặng hoặc ngày gần nhất trước đó;

c) Đối với bất động sản:

- Phần trị giá đất được xác định căn cứ theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm nhận thừa kế, nhận quà tặng;

- Phần trị giá nhà, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc gắn liền với đất được xác định theo giá tính lệ phí trước bạ nhà do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không có quy định giá tính lệ phí trước bạ nhà thì căn cứ vào quy định của Bộ Xây dựng về phân loại nhà, về tiêu chuẩn, về định mức xây dựng cơ bản; giá trị còn lại thực tế của công trình trên đất.

d) Đối với tài sản khác: Căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ của tài sản đó hoặc tài sản cùng loại (nếu có).

Câu 34: Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế, nhận quà tặng là thời điểm nào?

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ nhận thừa kế và nhận quà tặng được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Thuế TNCN và Điều 24 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, theo đó, thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ thừa kế là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nhận thừa kế.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ quà tặng là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là quà tặng nhận được.

Câu 35:  Hộ gia đình ông D canh tác gần 01 ha đất ven biển để sản xuất muối, nghe nói Luật Thuế TNCN quy định đối tượng nộp thuế bao gồm cả người sản xuất, kinh doanh nên ông D rất lo lắng vì thu nhập từ làm muối cũng chỉ giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ông muốn biết, pháp luật có quy định nào về miễn thuế TNCN đối với những người làm diêm nghiệp như gia đình ông không?

Theo quy định của Luật Thuế TNCN thì đối tượng nộp thuế bao gồm cả người sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên tại Khoản 5 Điều 4 Luật Thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP đều quy định Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì được miễn thuế TNCN.

Hộ gia đình, cá nhân được miễn thuế theo quy định trên phải thỏa mãn các điều kiện:

- Có quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp;

- Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về cư trú.

Như vậy, để được miễn thuế TNCN thì hộ gia đình ông D phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm muối hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất làm muối với cơ quan, tổ chức, cá nhân để chứng minh việc canh tác gần 01 ha đất làm muối của gia đình ông là đúng quy định pháp luật, đồng thời gia đình ông phải thực tế cư trú tại địa phương nơi tiến hành sản xuất muối.

 

Tapchitaichinh.vn

Cùng danh mục

Thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, thời điểm xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của người nộp thuế (NNT) được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế...

Giải đáp thắc mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (Công văn 2412/TCT-TNCN)

Công văn 2412/TCT-TNCN năm 2014 vướng mắc về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc của cục Thuế tỉnh Kiên Giang do Tổng Cục Thuế ban hành.