Hướng dẫn xử lý các khoản chậm nộp của doanh nghiệp nhà nước

11/01/2022

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hướng dẫn việc xử lý khoản chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Trung ương) và Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Quỹ tại Tập đoàn, Tổng công ty).

<

>


Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN (nếu có) rà soát, tính toán, xác định các khoản phải nộp về Quỹ Trung ương.

Trong đó, các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần nộp các khoản thu về Quỹ Trung ương theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cũng như các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các doanh nghiệp cổ phần hóa theo các cơ chế ban hành trước Nghị định số 59 nêu trên phải xác định và nộp đầy đủ các khoản nợ gốc về Quỹ Trung ương.

Đối với các khoản phạt chậm nộp, Bộ Tài chính hướng dẫn, thời điểm tính lãi xác định là sau 60 ngày kể từ ngày DN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán sau thời hạn 60 ngày, thời điểm tính lãi chậm nộp tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm đăng ký kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp sau khi chuyển đổi gặp khó khăn về tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước đã có quyết định cho doanh nghiệp chậm nộp các khoản thu về Quỹ Trung ương thì áp dụng thời điểm tính lãi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đối với các khoản thu còn lại là sau 5 ngày làm việc kể từ ngày thu được tiền hoặc kể từ ngày thực hiện phân chia cổ tức, lợi nhuận theo Nghị quyết của Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng thành viên.

Lãi suất tính lãi chậm nộp đối với số tiền và thời gian chậm nộp trước thời điểm 31-12-2012 áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm 2012; đối với số tiền và thời gian chậm nộp sau thời điểm này áp dụng theo lãi suất quy định tại Quyết định số 21 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc khi tính thêm lãi chậm nộp các khoản phải nộp về Quỹ Trung ương theo các nguyên tắc nêu trên mà lỗ thì các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định miễn lãi nộp tối đa bằng số lỗ phát sinh thêm, các khoản nợ gốc doanh nghiệp vẫn phải nộp đầy đủ theo quy định.

Không tính lãi chậm nộp đối với khoản chênh lệch dương giữa giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa với mức vốn điều lệ của các doanh nghiệp cổ phần hóa trước ngày  5-9-2011 (ngày Nghị định 59 có hiệu lực thi hành). Sau thời hạn 5-9-2011, nếu doanh nghiệp vẫn chưa gộp đủ tiền thì phải chịu lãi chậm nộp trên số tiền chưa nộp như các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Nghị định 59.

Tương tự với các khoản phải nộp về Quỹ tại Tập đoàn, Tổng công ty, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, tính toán xác định các khoản phải nộp và yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền về trước ngày 30-9-2013
.

<

>

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.