Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng số hóa thông tin công dân

12/10/2021

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Theo Đề án được phê duyệt, trong giai đoạn 2013 - 2014, sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp, quản lý, sử dụng số định danh cá nhân; hệ thống hóa, rà soát và đề xuất phương án, lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư. Hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước để triển khai nhập thông tin cơ bản về công dân và cấp số định danh cá nhân từ năm 2016. Hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập vào Cơ sở dữ liệu này và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Dựa vào đó, các cơ quan hành chính nhà nước có thể truy cập, khai thác sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.

Trong giai đoạn 2015 - 2020 cũng sẽ phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực có liên quan như: giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan. Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2020, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

Tại cuộc họp báo, đại diện các Bộ Công an, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông đã trả lời một số câu hỏi của báo giới liên quan đến nguyên tắc thực hiện cấp mã số định danh, cơ chế đảm bảo bí mật thông tin của công dân, sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và công an khi cấp mã số định danh, việc cấp chứng minh nhân dân mới và những thủ tục hành chính được đơn giản hóa khi triển khai Đề án…

Theo ông Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 7 Bộ Công an, số định danh phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cấp cho người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi và đó chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp cho công dân tại Công an thành phố Hà Nội. Số này đã được tính toán rất cụ thể, kể cả số sinh ra, số mất đi, giới tính thì 500 năm nữa số này cũng không trùng nhau. Cũng theo đại diện Bộ Công an, khi có mã số định danh, hộ khẩu và giấy khai sinh có thể bỏ nhưng chứng minh nhân dân là không thể bỏ, người dân vẫn cần có một loại giấy tờ để chứng minh bản thân. Bộ Công an vẫn tiếp tục triển khai cấp chứng minh nhân dân mẫu mới.

Giải đáp câu hỏi tại sao hiện không triển khai ngay việc cấp mã số định danh cho công dân mới sinh ra cũng như những băn khoăn về lộ trình của Đề án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, số định danh là dãy số tự nhiên, giống như chìa khóa để mở vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia rỗng thì có cấp mã số định danh cũng chưa sử dụng được, phải có kho dữ liệu rồi mới dùng mã số này để cập nhật vào, vì vậy, đến năm 2015, khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu này mới bắt đầu cập nhật và cấp mã số định danh, trong phạm vi nhất định người dân cũng có thể được truy cập vào.

Bộ Tư pháp cho rằng, với quy mô gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực cho xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính phủ. Để các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Theo rà soát của Bộ, có khoảng 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu đơn tờ khai yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một/một số giấy tờ như giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử. Trong đó có 1.045 mẫu đơn, tờ khai có yêu cầu cung cấp thông tin về công dân. Tính toán sơ bộ của Bộ này cho thấy việc vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân, ước tính khoảng 198 tỷ đồng.

Cùng danh mục

Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/09/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, từ ngày 01/11/2014...

Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính Thuế

Theo Thông báo 288/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua đã có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.