Cẩn trọng với trường hợp gian lận qua trị giá tính thuế

07/02/2022

Việc xác định trị giá hải quan để xác định khoản phải cộng vào, khoản phải trừ ra trong một số trường hợp là rất khó. Đặc biệt, lại càng khó hơn khi gặp phải DN có ý định gian lận về giá mà DN đó đã có nghiên cứu, hiểu biết về kỹ thuật xác định trị giá hải quan… Đó là đúc rút từ thực tiễn hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) về trị giá tính thuế tại Cục Hải quan TP.HCM

Là địa bàn tập trung nhiều loại hình, nhiều loại DN XNK của khu vực và cả nước, với trên 26 nghìn DN thường xuyên làm thủ tục hải quan (chủ yếu là thủ tục hải quan điện tử), đối với Cục Hải quan TP.HCM việc tăng cường công tác KTSTQ là rất quan trọng nhằm góp phần bảo đảm công tác quản lý hải quan theo yêu câu.

Gặp khó khi DN cố ý gian lận

Theo Cục Hải quan TP.HCM, việc KTSTQ về trị giá tính thuế hiện nay còn gặp khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Đưa ra trường hợp cụ thể, Cục Hải quan TP.HCM phân tích về vụ Công ty EAC. Đây là DN chuyên NK ô tô và phân phối độc quyền tại Việt Nam. Qua KTSTQ, đơn vị đã phát hiện ngoài khoản thanh toán theo giá mua ghi trên hóa đơn (khai báo hải quan), DN còn thanh toán cho người bán (không khai báo) khoản “Phí hàng tháng” là 25 nghìn USD và khoản “Phí hàng quý” bằng 3% trị giá xe NK. Tổng số tiền DN thanh toán cho người bán từ năm 2010 đến 2012 là hơn 214 triệu USD.

DN giải trình khoản thanh toán cho người bán nêu trên không liên quan đến hàng hóa NK, đây là khoản tiền trả cho các dịch vụ tư vấn, huấn luyện, đào tạo và quản lý do người bán cung cấp theo các hợp đồng tư vấn- dịch vụ mà DN đã ký kết với người bán. DN đã khai báo và nộp thuế nhà thầu cho các khoản thanh toán này.

Chi cục KTSTQ đã yêu cầu DN chứng minh các hoạt động tư vấn, huấn luyện, đào tạo và quản lý thực tế đã phát sinh nhưng DN không chứng minh được. Mặt khác, qua xác minh tại ngân hàng thì các khoản thanh toán này được thực hiện thông qua một hợp đồng tư vấn - dịch vụ khác, có nội dung liên quan trực tiếp đến hàng hóa NK.

Ngoài ra Chi cục còn chứng minh được các hoạt động tư vấn, huấn luyện, đào tạo và quản lý nêu trên là do các nhà cung cấp tại Việt Nam cung cấp và DN đã thanh toán cho các nhà cung cấp này thông qua các chứng từ thanh toán xác minh được tại ngân hàng.

Từ các cơ sở trên, Chi cục kết luận: Các khoản thanh toán cho người bán nêu trên có liên quan đến hành hóa NK và được điều chỉnh cộng vào trị giá tính thuế.

Việc tranh chấp này đã được đưa ra tòa hành chính, kết quả: Tòa chấp nhận giải thích của DN mà không xem xét đến các chứng từ do Chi cục đưa ra.

Qua đó cho thấy, DN đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng để chuyển một khoản tiền lớn ra nước ngoài thanh toán cho các dịch vụ liên quan đến hàng hóa NK nhưng đã sử dụng các “Hợp đồng tư vấn- dịch vụ” có nội dung không liên quan đến hàng hóa NK để hợp thức hóa, nhằm gian lận số tiền thuế lớn.

Có thể thấy, việc xác định trị giá hải quan để xác định khoản phải cộng vào, khoản nào phải được trừ ra trong một số trường hợp là một việc rất khó. Đặc biệt, lại càng khó hơn khi gặp phải DN có ý định gian lận về giá mà DN đó đã có nghiên cứu, hiểu biết về kỹ thuật xác định trị giá hải quan

Cần có những giải pháp phù hợp

Việc KTSTQ bác bỏ trị giá đã được các đơn vị Hải quan trong thông quan chấp nhận, để ấn định lại trị giá mới là việc không hề dễ, vì để làm được, KTSTQ phải kiểm tra sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu, dữ liệu liên quan đến hàng hóa XNK do DN xuất trình và các cơ quan có liên quan cung cấp trong quá trình kiểm tra, phân tích, so sánh, xác định tính chính xác của việc khai các khoản liên quan đến giá trị theo quy định.

Vì vậy, kết quả kiểm tra tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: Khả năng thu thập thông tin, mức độ che giấu của DN, năng lực của CBCC làm công tác KTSTQ, cơ chế quản lý và sự hợp tác của các cơ quan liên quan khác… những việc này đều là những bài toán khó cho công tác KTSTQ.

Vụ việc Công ty EAC cho thấy, DN một mặt sử dụng các hợp  đồng tư vấn- dịch vụ không liên quan đến hàng hóa NK để thanh toán cho người bán, nhưng thực tế là để thanh toán cho hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến hàng hóa NK, nhưng DN cố tình che giấu nhằm gian lận về trị giá.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, bất cập ở đây chính là, Nghị định 160/2006/NĐ-CP đã có quy định nhưng các tổ chức tín dụng chưa đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng múc đích và phù hợp với pháp luật.

Vì vậy, việc tổ chức các hội thảo liên ngành về thanh toán quốc tế với sự tham gia của các tổ chức tín dụng là cần thiết, để các tổ chức tín dụng thấy rõ các thủ đoạn gian lận qua các nghiệp vụ thanh toán quốc tế của DN. Qua đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có các giải pháp trong công tác nghiệp vụ, nhằm đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với pháp luật.

Đối với các trường hợp DN không hợp tác, che giấu thông tin bằng các thủ đoạn như trốn, tránh, không tiếp đoàn kiểm tra, không xuất trình sổ sách, kế toán, sử dụng 2 hệ thống sổ sách, kế toán… thì chế tài xử phạt như hiện hành (Điều 11 Nghị định 18/2009/NĐ-CP và đã được sử đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP) chưa đủ sức răn đe. Trên thực tế, DN sẽ chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính hơn là cung cấp thông tin cho cơ quan Hải quan.

Vì vậy, để đảm bảo việc thực thi các quy định về KTSTQ được công bằng giữa các DN và nghiêm minh, đảm bảo hiệu quả KTSTQ thì cẩn phải sửa đổi các chế tài xử phạt hiện hành theo hướng tăng nặng hơn nữa nhằm răn đe. Cụ thể như: Tăng mức xử phạt, sử dụng các hình thức phạt bổ sung như dừng làm thủ tục hải quan, cưỡng chế, chuyển cơ quan Công an…

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần có kiến nghị với Chính phủ xây dựng cơ chế sử dụng kết quả của hội đồng tư vấn (thành viên của hội đồng gồm các nhà chuyên môn, các chuyên gia trong các lĩnh vực) trong một số vụ kiện hành chính có tính phức tạp, nhạy cảm, chứ không phó thác toàn quyền quyết định tuyên án cho tòa án như hiện nay. Vì trên thực tế, có nhiều vụ tòa không hiểu sâu về nghiệp vụ chuyên ngành nên đã tuyên sai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước…

Baohaiquan.vn

Cùng danh mục

Thời gian nộp thuế sẽ giảm thêm 88,86 giờ từ 15/11

Thông tin trên được ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo giới thiệu về Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11) hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP chiều 28/10.

Thông tư 151/2014/TT-BTC Quy định mới về thuế GTGT có hiệu lực từ 15/11/2014

Chiều 21/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chính thức ký ban hành Thông tư 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11/2014), hướng dẫn Nghị định 91 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế. Theo đó, nhiều quy định mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được sửa đổi.